Tin tức sự kiện Tin Nghệ An

Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng

Ngày đăng tin: 02/06/2015
Vướng ở đâu tập trung gỡ ở đó
Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) - một chính sách có tính đột phá, sớm đi vào cuộc sống - đã được thực hiện tại nước ta nhưng đến nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Tuy vậy với tinh thần vướng mắc ở đâu tập trung gỡ ở đó, đến nay tỉnh Nghệ An đã từng bước kiện toàn bộ máy nghiệp vụ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) mạnh dạn, linh hoạt trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR, dần đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của hoạt động này.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Ngày 24/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR. Đây là chính sách mới nhằm huy động các nguồn lực của xã hội, đặc biệt là từ các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR nhằm tạo nguồn tài chính đảm bảo ổn định, lâu dài phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện chính sách này bên sử dụng DVMTR sẽ phải trả tiền cho bên cung ứng DVMTR.
Tại Nghệ An, ngày 16/11/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 69/2011/QĐ-UBND về thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, đơn vị quản lý và thực hiện ủy thác chi trả DVMTR. Trong gần 3 năm triển khai, công tác chi trả DVMTR đã gặp không ít khó khăn. Để thực hiện chi trả DVMTR phải xác định được ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng của từng chủ rừng, rà soát việc giao khoán bảo vệ rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR. Công tác xác định ranh giới, hiện trạng rừng để đảm bảo chi trả DVMTR khá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí và công sức, mang tính chuyên môn kỹ thuật cao. Đặc biệt, phạm vi xác định ranh giới rừng kéo dài trên diện rộng, liên quan giữa các huyện với nhiều đơn vị quản lý rừng; nhiều chủ rừng khác nhau, diện tích rừng rộng lớn, phân tán, địa hình phức tạp nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện. Việc xác định, thống kê danh sách các chủ rừng, diện tích, hiện trạng rừng trong các lưu vực thủy điện, nhất là phần diện tích do UBND xã, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn bản quản lý để cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn còn triển khai chậm.

Bên cạnh đó, một số đơn vị sử dụng DVMTR vẫn chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về chi trả DVMTR như trì hoãn ký kết hợp đồng, kê khai không kịp thời, nộp tiền chưa đầy đủ, đúng hạn. Về phía các chủ rừng là tổ chức cung ứng DVMTR cũng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, chưa chủ động hoàn thiện việc lập hồ sơ, chưa chi trả kịp thời tiền nhận khoán bảo vệ rừng cho người dân. Trong quá trình thực hiện một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến chính sách này, chưa vào cuộc quyết liệt để giải quyết nhanh chóng những vướng mắc đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Những khó khăn trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu, chi và tiến độ giải ngân tiền DVMTR đến các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng tại các địa phương.

Nhận thấy rõ những vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ chi trả DVMTR, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở NN&PTNT, các ngành liên quan và Quỹ BVPTR vào cuộc quyết liệt tháo gỡ từng vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ chi trả DVMTR. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tăng cường bố trí các đoàn, nhóm xuống cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc đẩy nhanh rà soát, xác định ranh giới rừng; việc thực hiện chi trả, giao khoán bảo vệ rừng; chủ động phối hợp để giải quyết các vướng mắc với cả bên sử dụng DVMTR và bên cung ứng DVMTR. Đặc biệt, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng đã mạnh dạn tham mưu Hội đồng quản lý quỹ, Sở NN&PTNT hướng xử lý một số vấn đề phát sinh mang tính đặc thù mà các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa nêu cụ thể nhằm thực hiện linh hoạt chính sách của nhà nước, sớm đưa tiền DVMTR đến với các chủ rừng.

Đạt hiệu quả bước đầu

Tính đến tháng 11/2014, Quỹ BVPTR đã hoàn thành việc ký hợp đồng ủy thác DVMTR đối với 9 cơ sở (nhà máy) sản xuất thủy điện đã đi vào hoạt động và 5 cơ sở (nhà máy) sản xuất và cung ứng nước sạch; đồng thời đôn đốc các đơn vị thực hiện xong công tác rà soát ranh giới lưu vực, hiện trạng rừng của hơn 316 nghìn ha tại các lưu vực thủy điện nêu trên. Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành các bước theo như lập hồ sơ bảo vệ rừng và các thủ tục chi trả DVMTR.
Về hoạt động thu - chi, Quỹ BVPTR đã có nhiều biện pháp đôn đốc các cơ sở sử dụng DVMTR nộp tiền DVMTR theo hợp đồng ủy thác đã ký kết đồng thời tích cực thực hiện việc thu và truy thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác mà có yêu cầu phải trồng lại rừng nhưng chủ đầu tư không có điều kiện thực hiện. Đến nay, tổng thu lũy kế các nguồn đã đạt hơn 110 tỷ đồng, đóng góp một phần không nhỏ bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động BVPTR.

Mặc dù hoạt động giải ngân tiền DVMTR còn gặp khó khăn song tiến độ đang được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Riêng trong năm 2014, việc giải ngân nguồn hỗ trợ trồng lại rừng (theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP) hiện đã đạt gần 100%, trong khi tỷ lệ giải ngân nguồn DVMTR đạt hơn 65%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Bằng việc tập trung đôn đốc hướng dẫn các chủ rừng sớm hoàn thiện hồ sơ thiết kế bảo vệ rừng, chắc chắn tiến độ giải ngân nguồn tiền DVMTR trong thời gian tới tiếp tục được cải thiện.

Ngoài ra, việc đưa chính sách chi trả DVMTR vào cuộc sống đã giúp cán bộ, người dân và các chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị từ rừng. Doanh nghiệp (như Nhà máy thủy điện, nước sạch…) muốn tồn tại, phát triển bền vững thì phải góp phần bảo vệ rừng; người dân thông qua bảo vệ rừng đã có thêm việc làm và thu nhập. Rừng được bảo vệ tốt hơn, chất lượng môi trường và cuộc sống người dân cũng sẽ được nâng lên.
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ BVPTR chia sẻ: “Khái niệm DVMTR không còn mới song thực hiện chi trả DVMTR đến nay vẫn trong giai đoạn vừa hành quân vừa xếp hàng. Hệ thống văn bản pháp lý và hướng dẫn chính sách chưa đồng bộ, quan điểm, cách làm, giải pháp quản lý đối với lĩnh vực này còn có lúc, có nơi chưa thống nhất nên khó khăn trong thực hiện cũng là điều dễ hiểu. Quan điểm là vướng mắc ở đâu thì tập trung gỡ ở đó để tăng cường giải ngân vốn tồn quỹ cho các chủ rừng. Tuy nhiên, giải ngân chỉ là mục đích trước mắt, mục tiêu lâu dài là rừng được bảo vệ, người dân có thu nhập và việc làm, các nhà máy thì ổn định sản xuất, tạo nên một mối liên kết hữu cơ, cùng có lợi giữa các bên liên quan. Vì vậy cũng không nên quá nóng vội trong thực hiện. Đây là một chính sách lớn, thực hiện nó giúp tạo ra nguồn lực quan trọng, khá ổn định và mang tính xã hội hóa cao cho ngành lâm nghiệp. Chắc chắn chính sách chi trả DVMTR sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp ngành để ngày một phát huy hiệu quả”.
                                          
                                           Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An
Tin khác
 
ĐOÀN CÔNG TÁC QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG, SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT NGHỆ AN THĂ... 08/04/2024
Công bố quyết định về việc điều động, bổ nhiệm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển... 04/04/2024
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Cán bộ viên chức ngư... 09/01/2024
Công bố quyết định về việc tiếp nhận, bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý 26/12/2023
Thống kê Lượng truy cập
Đang online 1
Hôm nay 91
Số lượng truy cập 706368

VIDEO