Tin tức sự kiện Tin Nghệ An

BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG TỈNH NGHỆ AN ĐỒNG HÀNH TUYÊN TRUYỀN CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Ngày đăng tin: 17/06/2025
Bảo vệ và phát triển bền vững những cánh rừng đòi hỏi sự chung tay của nhiều lực lượng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức truyền thông.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng và đa dạng, vai trò của rừng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sống trở nên ngày càng quan trọng. Với vai trò là “lá phổi xanh” của khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Nghệ An sở hữu diện tích rừng lớn, có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, sinh thái và môi trường. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển bền vững những cánh rừng này đòi hỏi sự chung tay của nhiều lực lượng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức truyền thông.
            Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ra đời không chỉ nhằm huy động nguồn lực tài chính từ những đối tượng được hưởng lợi từ hệ sinh thái rừng, mà còn là công cụ khuyến khích cộng đồng bảo vệ rừng một cách chủ động và bền vững. Trong hành trình lan tỏa và đưa chính sách DVMTR đi vào cuộc sống, sự đồng hành của Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnhNghệ An cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã và đang đóng vai trò quan trọng, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Báo chí đang đồng hành với cán bộ KBTTN Pù Huống để lưu lai những khoảng khắc đẹp.
     VAI TRÒ ĐỒNG HÀNH TỪ TRUYỀN THÔNG BÁO CHÍ
Ngay từ những ngày đầu thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xác định rõ trách nhiệm của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến và giám sát chính sách này. Nhận thức rõ rằng: “Khi người dân hiểu – người dân sẽ làm đúng, khi người dân tin – họ sẽ làm tốt”, các cơ quan báo chí thành viên đã triển khai hàng loạt chuyên mục, tuyến bài chuyên sâu phản ánh thực tế triển khai chính sách tại các địa phương như Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp và Quỳ Châu – những huyện vùng cao có tỷ lệ rừng lớn và người dân sinh sống chủ yếu dựa vào rừng.
Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã chi trả DVMTR cho hơn 420 tổ chức, cá nhân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư thôn, với tổng số tiền hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những con số đó là minh chứng cho hiệu quả của chính sách, nhưng để đạt được kết quả ấy là cả một quá trình vận động, tuyên truyền kiên trì và sâu rộng.
 
Thông qua các bài viết, phóng sự truyền hình và các ấn phẩm chuyên đề, người dân đã dần hiểu rằng rừng không chỉ có giá trị gỗ mà còn mang lại thu nhập ổn định nếu biết bảo vệ, phát triển rừng một cách bền vững. Chính sách DVMTR không đơn thuần là khoản hỗ trợ tài chính, mà còn là sự ghi nhận xứng đáng với những người đang gìn giữ và chăm sóc rừng.
        PHẢN ÁNH TIẾNG NÓI TỪ CƠ SỞ – LAN TỎA TỪ THỰC TIỄN
Một trong những điểm mạnh trong công tác phối hợp giữa cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chính là tính “thực chiến” trong truyền thông. Không ít lần, các đoàn phóng viên, nhà báo đã cùng cán bộ Quỹ vượt đường rừng, băng suối để ghi nhận tâm tư của người dân đang sống bằng nghề rừng. Những thước phim ghi lại hình ảnh các già làng, trưởng bản ở Khe Nóng (Con Cuông), Nậm Càn (Kỳ Sơn) ngày ngày tuần tra rừng, những bài báo kể về nhóm hộ ở xã Yên Tĩnh (Tương Dương) tự nguyện lập tổ bảo vệ rừng không lương… đã mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng, đầy nhân văn.
Rừng ở Nghệ An dưới bàn tay báo chí
Từ thực tế đó, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách như: chênh lệch về đơn giá trong các lưu vực; chậm trễ trong chi trả;  thiếu hiểu biết pháp luật về rừng, bất cập trong giao đất giao rừng… cũng được báo chí phản ánh kịp thời, giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Có thể nói, báo chí đã trở thành kênh phản biện xã hội khách quan, cầu nối giữa chính quyền và người dân trong quá trình hoàn thiện chính sách chi trả DVMTR.
PHỐI HỢP CHIẾN LƯỢC – NÂNG TẦM CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG
Không chỉ dừng lại ở việc đưa tin, bài, các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tích cực phối hợp cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An để tăng cường hiệu quả truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Thông qua việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục, loạt bài phản ánh từ thực tiễn cơ sở, báo chí đã góp phần lan tỏa tinh thần bảo vệ rừng, làm rõ những tác động tích cực của chính sách DVMTR đến đời sống người dân.
Thời gian qua, nhiều phóng viên, nhà báo đã chủ động tìm hiểu, tiếp cận thực tiễn tại các huyện miền núi như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn... để phản ánh một cách chân thực những chuyển biến về ý thức giữ rừng của người dân khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai hiệu quả.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền trong giai đoạn tới, rất cần có thêm các hoạt động như: tập huấn chuyên sâu cho phóng viên, tổ chức diễn đàn hoặc hội thảo trao đổi nghiệp vụ về tuyên truyền lâm nghiệp, cũng như khuyến khích các tác phẩm báo chí chất lượng viết về đề tài môi trường, phát triển rừng gắn với DVMTR.
      HƯỚNG ĐẾN MỘT TƯƠNG LAI XANH
Thực tế cho thấy, sự phối hợp hiệu quả giữa Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã góp phần đưa chính sách DVMTR từ văn bản pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống, lan tỏa đến từng người dân, từng cánh rừng. Đây là một mô hình hợp tác điển hình cần được nhân rộng, không chỉ ở Nghệ An mà tại nhiều địa phương có điều kiện tương đồng. Trong thời gian tới, để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ tài nguyên rừng và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc nâng cao hiệu quả truyền thông, đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền là hết sức cần thiết. Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phối hợp chặt chẽ với Quỹ, các tổ chức, ban ngành và địa phương để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với sinh kế bền vững cho người dân vùng rừng.
       Trong hành trình giữ rừng – giữ nguồn sống, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là sợi dây gắn kết trách nhiệm giữa người sử dụng và người gìn giữ tài nguyên. Và trong hành trình ấy, báo chí đóng vai trò người dẫn đường, người truyền lửa. Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An – bằng tất cả trách nhiệm nghề nghiệp và tinh thần vì cộng đồng – sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, chung tay vì một tương lai xanh, vì màu xanh rừng mãi mãi vững bền./.
Tin khác
 
Yêu cầu báo giá Phí dịch vụ chi trả tiền 19/06/2025
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam làm việc với tỉnh Nghệ An 12/06/2025
Chi bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An: Đoàn kết, đổi mới, quyết tâm vì mụ... 10/06/2025
Nghệ An sẵn sàng tham gia thị trường carbon 04/01/2025
Tăng tốc chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực thúc đẩy tăng t... 04/01/2025
Thống kê Lượng truy cập
Đang online 9
Hôm nay 97
Số lượng truy cập 793778

VIDEO