Trong khuôn khổ triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), ngày 9/6/2025, Đoàn công tác của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã có chuyến làm việc với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An. Chuyến công tác nhằm đánh giá kết quả triển khai chính sách ERPA tại địa phương, ghi nhận những mô hình hiệu quả, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam
tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An
Với diện tích đất có rừng hơn 973 nghìn ha, chiếm gần 60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, Nghệ An là một trong những địa phương trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ tham gia thực hiện Thỏa thuận ERPA. Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, các khoản thu từ DVMTR, trồng rừng thay thế và đặc biệt là nguồn chi trả từ ERPA đã giúp địa phương duy trì công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách ổn định, hiệu quả. Giai đoạn thí điểm từ 2023-2025, tỉnh Nghệ An được điều phối hơn 356 tỷ đồng nguồn thu từ ERPA. Địa phương đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai đồng bộ công tác chi trả thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng và dịch vụ bưu chính công ích, bảo đảm minh bạch và đúng đối tượng. Năm 2024, tỉnh Nghệ An đã giải ngân gần 178 tỷ đồng (đạt 81% kế hoạch), trong đó hơn 173 tỷ đồng chi trả trực tiếp cho các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng và các chủ rừng là tổ chức, UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.
Một trong những điểm nổi bật trong triển khai ERPA tại Nghệ An là quy mô hưởng lợi rộng lớn. Trong năm 2024, hơn 31.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và hơn 450 cộng đồng dân cư đã nhận được chi trả từ nguồn ERPA, với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng nhóm cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng có 118 cộng đồng với diện tích bảo vệ hơn 85.000 ha, tỷ lệ giải ngân đạt 97% kế hoạch. Đặc biệt, các cộng đồng còn được hỗ trợ sinh kế với mức 50 triệu đồng/cộng đồng/năm để đầu tư vào hạ tầng như nhà văn hóa, đường giao thông, hệ thống chiếu sáng… Gần 21 tỷ đồng đã được giải ngân cho 445 cộng đồng, tạo động lực rõ nét trong bảo vệ rừng, cải thiện đời sống và gắn
bó với nghề rừng của đồng bào vùng cao.
Một trong những làng nghề được hỗ trợ sinh kế
Toàn tỉnh có 26 chủ rừng là tổ chức được nhận chi trả ERPA với tổng số tiền hơn 115 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các đơn vị đã chủ động phân bổ cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR, hỗ trợ UBND xã, cộng đồng và triển khai các biện pháp lâm sinh như nuôi dưỡng rừng tự nhiên. Dù còn hạn chế về tỷ lệ giải ngân ở một số hạng mục, nhưng đa số các chủ rừng tổ chức đã phát huy tốt vai trò điều phối, phối hợp và minh bạch tài chính trong triển khai. Công tác quản lý, giám sát, báo cáo tài chính được Quỹ tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Các đơn vị được hướng dẫn cập nhật phần mềm quản lý tài chính ERPA, thực hiện sao kê, báo cáo định kỳ, đảm bảo đúng quy trình.
Việc triển khai ERPA tại Nghệ An luôn gắn với bảo đảm an toàn môi trường – xã hội. Quỹ tỉnh đã hướng dẫn các chủ rừng cập nhật hiện trạng, tiến độ các công trình được hỗ trợ, gửi báo cáo định kỳ về Quỹ Trung ương. Công tác truyền thông được chú trọng, với nhiều lớp tập huấn, hội nghị, vật phẩm tuyên truyền, bài viết trên báo chí – truyền hình và website chính thức. Người dân tại các xã vùng ERPA, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, dần hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong giữ rừng để được hưởng lợi, từ đó hình thành ý thức cộng đồng bảo vệ rừng bền vững.
Tập huấn ERPA tại huyện Quỳ Châu
Bên cạnh kết quả đạt được, Nghệ An cũng gặp phải một số khó khăn như: quy định mới, thiếu đồng bộ giữa các ngành; năng lực cán bộ cấp xã chưa đáp ứng; thủ tục phê duyệt kế hoạch tài chính phức tạp; địa bàn rộng, nhiều hộ hưởng lợi nhưng hạ tầng thanh toán còn hạn chế.
Tỉnh Nghệ An kiến nghị Quỹ Trung ương sớm tham mưu Bộ Nông nghiệp và Môi trường điều chỉnh quy định tại Nghị định 107/2022/NĐ-CP nhằm phù hợp với thực tiễn (đặc biệt trong bối cảnh thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp); đồng thời đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện ERPA và có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng kinh phí tồn dư.
Qua hơn một năm thực hiện, mô hình ERPA tại Nghệ An đã chứng minh hiệu quả thiết thực, không chỉ về tài chính mà còn góp phần cải thiện sinh kế, củng cố an ninh – xã hội, phát triển bền vững tài nguyên rừng. Đây là tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình và tích lũy kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo của thị trường carbon trong lâm nghiệp tại Việt Nam./.