Tin tức sự kiện Tin Nghệ An

Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở tỉnh Nghệ An

Ngày đăng tin: 12/08/2014
Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động nhằm hỗ trợ xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thông qua các chương trình nâng cao năng lực, phân bổ lợi ích công bằng và giám sát chất lượng dịch vụ môi trường, Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) tổ chức hội thảo “Báo cáo kết quả rà soát đánh giá 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Nghệ An” vào ngày 05/8/2014 tại thành phố Vinh.

          Hội thảo đã quy tụ gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành và tổ chức: Đại diện cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ- USAID; Các Sở: Sở Nông nghiệp &PTNT, Tài chính, Công thương; Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam- VFD; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An; Các đơn vị: Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp; Các phòng Nông nghiệp, phòng Tài nguyên & Môi trường, Hạt Kiểm lâm các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn; Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống; UBND các xã Huồi Tụ, Mỹ Lý (Kỳ Sơn); Yên Na (Tương Dương); Nậm Giải, Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn (Quế Phong); Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ, Hủa Na, Tổng đội thanh niên xung phong 8- XDKT Nghệ An. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành- Một trong những thành viên chủ chốt xây dựng Nghị định 99, là Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn độc lập, người trực tiếp viết “Báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở tỉnh Nghệ An từ năm 2011 đến tháng 6/2014”.
 

 

Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR

 
          Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở Nghệ An do Tiến sỹ Nguyễn Chí Thanh trình bày. Sau đó, các đại biểu được chia thành 3 nhóm để thảo luận, nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai chính sách chi trả DVMTR.  Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng về 4 nhóm vấn đề lớn gồm: Hệ thống văn bản; Hình thức giao khoán; Cơ chế thực hiện chi trả, nghiệm thu; và xung quanh công tác tuyên truyền. Sau khi thảo luận các nhóm đã đưa ra một số vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung:

          

 

Các đại biểu đang lắng nghe các nhóm trình bày bài thảo luận

 
 1.  Nguồn thu nhập mà người dân và các chủ rừng khác nhận được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường này sẽ là nguồn thu khá khiêm tốn. Vì vậy cần tuyên truyền về bản chất của việc chi trả DVMTR đến người dân và các chủ rừng để họ hiểu rằng nguồn thu từ chính sách này chỉ đóng vai trò như nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển sinh kế. Việc gắn kết việc chi trả DVMTR với các chương trình phát triển sinh kế khác là hết sức cần thiết nhằm tạo thêm thu nhập bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

2. Mức thu phí dịch vụ môi trường rừng từ các công ty Thủy Điện và đơn vị sử dụng nước nên tăng theo tỷ lệ thuận với giá bán điện và nước nhằm cải thiện mức chi trả cho người cung cấp dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là các cộng đồng người dân tham gia bảo vệ rừng đầu nguồn.

3. Quyền quản lý và sử dụng đất/rừng là điều kiện tiên quyết cho việc thực thi chính sách chi trả DVMTR. Vì vậy, nên giao khoán theo chia sẻ lợi ích từ DVMTR  cho cả cộng đồng để phù hợp với phong tục tập quán nhằm phát huy được tính cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng. 

4. Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành để hỗ trợ nhau trong việc thực thi chính sách chi trả DVMTR cũng như có cơ chế để các bên giám sát lẫn nhau trong quá trình thực hiện.

5. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần phối hợp và đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện để  ban hành chế tài và cách thức xử phạt nghiêm khắc đối với các đơn vị sử dụng DVMTR (nhà máy thuỷ điện, nhà máy cung cấp nước) chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình.

6. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An nên thành lập Ban chi trả DVMTR đối với huyện, xã phù hợp với điều kiện địa phương.

           Chi trả DVMTR là một chính sách mới, không những đối với Việt Nam và cả thế giới, đòi hỏi phải vừa làm, vừa thử nghiệm, rút ra bài học, giải quyết vấn đề phát sinh. Hội thảo đã giúp Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An, các Sở ban ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan nắm vững chính sách chi trả DVMTR để vận dụng chỉ đạo, thực thi hợp lý, hiểu quả ./.

 Nguyễn Thị Kim Dung - Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An

Tin khác
 
ĐOÀN CÔNG TÁC QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG, SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT NGHỆ AN THĂ... 08/04/2024
Công bố quyết định về việc điều động, bổ nhiệm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển... 04/04/2024
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Cán bộ viên chức ngư... 09/01/2024
Công bố quyết định về việc tiếp nhận, bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý 26/12/2023
Thống kê Lượng truy cập
Đang online 2
Hôm nay 45
Số lượng truy cập 707034

VIDEO