Ngày 4/7, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, đánh giá kết quả chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ; các thành viên Ban Kiểm soát Quỹ, các chủ rừng là tổ chức và các tổ chức chi trả địa phương.
6 tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh hệ thống chính quyền địa phương chuyển sang mô hình hai cấp, khối lượng công việc lớn và nhiều chính sách mới đang trong giai đoạn hoàn thiện, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bám sát chỉ đạo của cấp trên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác trồng rừng thay thế (TRTT) và chương trình thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống người dân vùng cao và đồng bào dân tộc thiểu số.
Đ/C Dương Ngọc Hùng- Phụ trách Quỹ khai mạc Hội nghị
Nguồn thu ổn định, giải ngân kịp thời
Trong năm 2024, tổng thu từ DVMTR đạt trên 133,5 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2025, tổng thu đạt gần 59 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch cả năm. Hoạt động giải ngân tiếp tục được thực hiện đúng quy định, minh bạch và đúng đối tượng. Năm 2024, Quỹ đã giải ngân hơn 124 tỷ đồng, trong đó trên 111 tỷ đồng chi trả cho các chủ rừng vào hoạt động bảo vệ rừng.
Đối với chương trình ERPA – một chính sách mới với nhiều khái niệm đặc thù, Quỹ đã chủ động tham mưu kịp thời các kế hoạch sử dụng kinh phí, cập nhật danh sách hưởng lợi, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt các nội dung liên quan. Lũy kế đến hết tháng 5/2025, Quỹ đã tiếp nhận 356,4 tỷ đồng từ nguồn ERPA, trong đó giải ngân năm 2024là gần 179 tỷ đồng.
DVMTR: Nguồn lực bền vững cho người giữ rừng
Chính sách chi trả DVMTR tiếp tục khẳng định vai trò thiết thực trong việc hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tổng diện tích rừng xác định được chi trả DVMTR năm 2024 đạt trên 570.000 ha, tăng hơn 14.000 ha so với năm trước. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm gần 96%, phản ánh tính bền vững trong công tác bảo vệ rừng lâu dài. Chính sách không chỉ hỗ trợ sinh kế cho người dân mà còn thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật, giảm dần tình trạng vi phạm lâm luật.
Tuy nhiên, năm 2024 vẫn còn xảy ra 214 vụ vi phạm rừng tại 6 huyện được chi trả DVMTR, và hơn 1.000 ha rừng không đủ điều kiện chi trả. Quỹ đã kiên quyết cắt giảm diện tích vi phạm khỏi danh sách chi trả và đôn đốc các đơn vị liên quan xử lý, khắc phục.
ERPA: Góp phần nâng cao chất lượng sống cộng đồng
Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai chương trình ERPA. Tính đến nay, hơn 30.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng đã được xác định là đối tượng hưởng lợi. Các cộng đồng dân cư thôn bản được nhận hỗ trợ sinh kế 50 triệu đồng/năm để đầu tư các công trình công cộng như nhà văn hóa, đường giao thông, điện chiếu sáng..., góp phần cải thiện điều kiện sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, nhóm 26 chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh đã được chi trả hơn 115 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ERPA – đạt gần 87% kế hoạch. Khoản kinh phí này giúp củng cố năng lực bảo vệ rừng, hỗ trợ công tác phòng cháy chữa cháy rừng và nâng cao đời sống cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Trồng rừng thay thế: Vẫn còn nhiều thách thức
Tổng số tiền TRTT đã thu lũy kế đến 30/6/2025 là gần 248 tỷ đồng, tương ứng với hơn 4.800 ha đất rừng chuyển đổi. Tuy nhiên, việc triển khai trồng rừng thay thế còn gặp nhiều khó khăn như thiếu quỹ đất phù hợp, địa hình phức tạp và chậm bố trí chủ đầu tư. Trong số này, hơn 66 tỷ đồng đã được giải ngân; gần 19 tỷ đồng đang chờ giải ngân tiếp, trong khi 15,8 tỷ đồng đã phân bổ nhưng chưa thực hiện do vướng mắc về hồ sơ hoặc không triển khai được. Đáng chú ý, 148,6 tỷ đồng đã có phương án sử dụng để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh theo cơ chế đặc thù phát triển Nghệ An nhưng chưa thể triển khai do chưa xác định được chủ đầu tư.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và cập nhật dữ liệu bản đồ
Quỹ đã tổ chức 12 đợt kiểm tra, giám sát thực tế trong 6 tháng đầu năm để theo dõi việc trồng rừng thay thế, bảo vệ rừng và thực hiện chính sách chi trả. Đồng thời, công tác cập nhật dữ liệu bản đồ chi trả DVMTR được triển khai thường xuyên, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa chủ động phối hợp, làm chậm tiến độ xác định diện tích và chi trả tiền DVMTR. Việc xác định diện tích, thông báo đơn giá và tạm ứng tiền chi trả DVMTR được thực hiện đúng quy trình, tuy nhiên ở một số nơi vẫn còn nhầm lẫn trong số liệu, ảnh hưởng đến việc tính toán và tiến độ chi trả.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm: Chủ động, đồng bộ, hiệu quả
Bước vào 6 tháng cuối năm 2025, Quỹ sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tham mưu, triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các Nghị định hướng dẫn liên quan đến DVMTR, TRTT và ERPA trong bối cảnh chính quyền hai cấp mới; Giải ngân kịp thời nguồn kinh phí cho các chủ rừng, cộng đồng, đảm bảo đúng, đủ, minh bạch; Tham mưu điều chỉnh định mức, tỷ lệ, thời gian tạm ứng và thanh toán ERPA phù hợp tình hình thực tế; Đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, lập bản đồ, danh sách đối tượng hưởng lợi để chi trả kịp thời; Tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời các phản ánh, khiếu nại; Chủ động tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị định 107/2022/NĐ-CP về ERPA.
Với sự nỗ lực không ngừng, 6 tháng đầu năm 2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã từng bước khẳng định vai trò trung tâm trong việc điều phối các chính sách bảo vệ và phát triển rừng. DVMTR, ERPA và trồng rừng thay thế không chỉ là công cụ tài chính mà còn là động lực thúc đẩy phát triển rừng bền vững, ổn định sinh kế và góp phần giữ vững an ninh – quốc phòng tại địa phương.