Chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách lớn, đột phá của ngành Lâm nghiệp, được áp dụng rộng rãi trên cả nước từ năm 2011 nhằm huy động nguồn lực tài chính cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nghệ An là một trong những tỉnh tiên phong trong việc thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam và đã đạt được nhiều thành quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.
Để đạt được những thành quả trên, ngay từ những ngày đầu triển khai chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó luôn xác định tầm quan trọng của bản sắc văn hóa các dân tộc trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Nghệ An hiện nay có gần 600 cộng đồng quản lý và nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích gần 90.000 ha rừng cung ứng DVMTR. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng thì vai trò của cộng đồng là vô cùng quan trọng.
Một điểm nổi bật đã tồn tại từ lâu, đó là các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dựa vào thiên nhiên, họ bám rừng, bám núi để mưu sinh. Những khu rừng xanh luôn được bảo vệ, giữ gìn nhờ những phong tục, tập quán truyền thống của các đồng bào dân tộc. Bởi họ coi bảo vệ rừng xanh cũng chính là bảo vệ ngôi nhà của mình, rừng mang đến cho họ nhiều lợi ích, bảo vệ khỏi thiên tai, lũ lụt; rừng còn cung cấp cho họ các loại lương thực và thực phẩm… và đó chính là những giá trị trực tiếp đối với cuộc sống sinh tồn của họ.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, trên cơ sở phong tục tập quán, bản sắc văn hóa các dân tộc và để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh biết đến và hưởng ứng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An luôn chú trọng đến đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông với phương châm “ngắn gọn, dễ hiểu, đúng quy định pháp luật, giữa gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, các vùng miền”. Các đối tượng được tuyên truyền cũng được xác định trọng tâm, trọng điểm đó là già làng, trưởng bản, các em học sinh thuộc các cấp với mục tiêu “vừa giữa gìn bản sắc văn hóa, vừa đổi mới”.
Song song với công tác tuyên truyền, công tác hướng dẫn người dân sử dụng tiền DVMTR cũng được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng quan tâm thực hiện để đạt được mục tiêu kép “vừa bảo vệ rừng tốt vừa phát triển sinh kế”. Với các giải pháp, mô hình trình diễn trong thời gian vưa qua đã góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng. bà con đã biết sử dụng tiền DVMTR để chăn nuôi, trồng trọt, mua sắm thiết bị,… nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; các công trình thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng...
Các hoạt động, giải pháp đã thực hiện về DVMTR luôn được người dân, các cấp ngành đồng hành, ủng hộ và đã được hầu hết các thôn/bản đưa vào hương ước/quy ước theo quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành quả đã đạt được là cơ sở khẳng định “vai trò bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong công tác bảo vệ rừng, cung ứng DVMTR” tại Nghệ An.