Tin tức sự kiện Tin Nghệ An

Hội thảo tham vấn báo cáo kết quả nghiên cứu thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp

Ngày đăng tin: 28/02/2017
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Văn bản số 5337/BNN-TCLN ngày 27/6/2016 về việc đề nghị tham gia nghiên cứu thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp; Trên cơ sở Quyết định số 5154/QĐ-UBND ngày 24/10/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ nghiên cứu thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở SXCN có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
           Với sự tài trợ của Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam, ngày 25/02/2017, tại thành phố Vinh, ông Nguyễn Bá Ngãi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp- Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và ông Nguyễn Tiên Lâm- phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An- phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ đồng chủ trì Hội thảo tham vấn báo cáo kết quả thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp.
 


Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An
 
              Hội thảo có sự tham gia của gần 70 đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban ngành: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ- USAID, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam – VFD, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Sở NN&PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm, Đại diện Lãnh đạo các Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện và các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

             Ngày 24/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong bối cảnh diện tích và đặc biệt là chất lượng rừng đang có sự suy giảm rõ rệt. Sau 6 năm tổ chức triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã và đang được coi là một thành tựu của ngành lâm nghiệp, là một mô hình tiêu biểu cho chủ trương, chính sách xã hội hóa nghề rừng, chứng tỏ tính hiệu quả góp phần thực hiện thành công kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Chính sách này đã bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về vai trò to lớn của rừng, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng. Ngày 02/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP, với nội dung chủ yếu là cập nhật mức chi trả mới với các cơ sở sản xuất thủy điện và nước sạch, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn hiệu quả của việc thực hiện chính sách đối với công tác bảo vệ rừng.

            Tính đến hết năm 2016, đã có 41 tỉnh trên cả nước thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, huy động nguồn thu DVMTR của cả nước đạt hơn 6.510 tỷ đồng, góp phần quản lý bảo vệ cho gần 5,617 triệu ha rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 39,9% tổng diện tích rừng của cả nước, hỗ trợ được cho hơn 0,5 triệu hộ dân sống trong vùng rừng.
Tại Nghệ An, mặc dù mới thực hiện chi trả hai loại dịch vụ là thủy điện và nước sạch, nhưng tổng tiền DVMTR đã đạt 195,27 tỉ đồng. Ngoài hai đối tượng đang thực hiện chi trả DVMTR kể trên, Khoản 3, Điều 7 của Nghị định 99/2010/NĐ-CP còn quy định đối tượng và loại dịch vụ phải chi trả tiền DVMTR bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước. Cụ thể, đối tượng này phải chi trả tiền dịch vụ về “điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất” mà rừng cung cấp. Quy định này vẫn được giữ nguyên trong Nghị định sửa đổi mới được Chính phủ ban hành - Nghị dịnh 147/2016/NĐ-CP ngày 02/1/2016, thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc mở rộng thực hiện chính sách trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hiện nay, tính riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hàng chục nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp lớn nhỏ, chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục tăng với mức xấp xỉ 10% trong 10 năm gần đây, toàn tỉnh hiện có 32 cụm công nghiệp được xây dựng trên tổng diện tích quy hoạch là 467 ha, thu hút hơn 160 dự án đầu tư.

             Tỉnh Nghệ An có mạng lưới sông suối dày đặc với các sông chính là sông Cả, sông Hiếu, sông Nậm Mô, sông Giăng và sông Chu (nhánh cấp 1 của sông Mã). Tổng dòng chảy nước mặt hàng năm của toàn tỉnh là khoảng 25,9 tỷ m3/năm, dòng chảy của các sông tại Nghệ An cũng biến động không đều trong năm. 5 tháng mùa mưa tập trung tới 70% lượng dòng chảy của cả năm, 7 tháng mùa khô chỉ có 30% lượng dòng chảy còn lại. Nước cho sản xuất công nghiệp của Nghệ An chủ yếu là lấy từ nguồn nước mặt. Hiện nay, tổng lượng nước cấp cho 03 Khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp tập trung và phần tán trên địa bàn toàn tỉnh hiện tại khoảng 20 triệu m3/năm. Ngoài ra, nhiều cơ sở SXCN phân tán như khai thác khoáng sản, khai thác quặng, chế biến thủy sản cũng khai thác nước từ khe, suối tại địa phương, với tổng lượng khai thác khoảng 1,55 triệu m3/năm (UBND Tỉnh Nghệ An, 2016: 15). Tuy nhiên, xu hướng phát triển nhanh của các hoạt động sản xuất công nghiệp được dự báo sẽ khiến nhu cầu nước tăng rất cao trong những năm tới. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, ngành công nghiệp và xây dựng sẽ đóng góp từ 43-44% trong cơ cấu các ngành kinh tế toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt 16-17%/năm trong giai đoạn 2016-2020, theo mức giá cố định năm 1994. Tương ứng, dự báo nhu cầu nước cho sản xuất công nghiệp trong giai đoạn từ 2020 sẽ tăng lên 123,75 triệu m3/năm, và sẽ tăng lên gần gấp đôi (khoảng 222,7 triệu m3/năm) trong giai đoạn từ 2025(UBND Tỉnh Nghệ An, 2016: 42).
 

Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An



Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An



Nguồn ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An
 
              Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các doanh nghiệp đã thảo luận nhằm xác định vai trò của rừng đối với sản xuất công nghiệp; xác định các cơ sở sản xuất công nghiệp được hưởng lợi từ sử dụng DVMTR; xác định mức thu và phương thức thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp; đánh giá tác động của việc thực thi chính sách chi trả DVMTR trong sản xuất công nghiệp.

              Nhằm tăng cường hiệu quả thực thi chính sách chi trả DVMTR trong hoạt động sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước tại tỉnh Nghệ An, các đại biểu đã có một số kiến nghị về các nội dung: tăng cường công tác truyền thông, tăng cường hoạt động quản lý nguồn nước, lộ trình áp dụng chính sách chi trả DVMTR đối với sản xuất công nghiệp tại Nghệ An với việc sử dụng minh bạch và hiệu quả nguồn thu.
 
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An
Tin khác
 
Họp chi bộ bầu bổ sung cấp ủy và kiện toàn chức danh Bí thư 04/04/2024
ĐOÀN CÔNG TÁC QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG, SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT NGHỆ AN THĂ... 08/04/2024
Công bố quyết định về việc điều động, bổ nhiệm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển... 04/04/2024
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Cán bộ viên chức ngư... 09/01/2024
Công bố quyết định về việc tiếp nhận, bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý 26/12/2023
Thống kê Lượng truy cập
Đang online 1
Hôm nay 193
Số lượng truy cập 704936

VIDEO